Cha mẹ ngại nói chủ đề tình dục, giới tính với con
Internet phổ biến hơn, mạng xã hội được sử dụng rộng rãi hơn làm các thông tin tràn lan khắp nơi, cả xấu lẫn tốt. Đặc biệt là các hình ảnh và thông tin về giới tính, tình dục xuất hiện rất nhiều trên sách báo, truyền hình, phim ảnh, quảng cáo và mạng xã hội. Ấy vậy mà trong các cuộc chuyện trò giữa cha mẹ và con cái, đề tài này vẫn là một vùng mờ, đến mức trẻ có thắc mắc về giới tính cũng không dám hỏi vì sợ bị đánh giá là “tầm bậy, hư hỏng”. Tới tuổi dậy thì các em lại càng ngại đặt câu hỏi vì e rằng cha mẹ sẽ nghi ngờ hạnh kiểm của mình.
Khi được hỏi tại sao lại trì hoãn dạy con về giới tính, nhiều bậc cha mẹ cho rằng không nên “vẽ đường cho hươu chạy”, nếu lỡ bọn trẻ tò mò rồi áp dụng phương châm “học đi đôi với hành” thì tai họa khôn lường!
Nhưng nghĩ cho kỹ, hươu thường chạy khi nào? Phải chăng khi nó bị con thú khác rượt đuổi? Nếu hươu không biết đường thoát thì chỉ có… chạy đằng trời! Với những “chú hươu non” ngơ ngác của chúng ta, “con thú” ấy có thể là kẻ xấu, người lạ, thậm chí người quen, bạn học, người nhà, người yêu,… hoặc cũng có thể là dục vọng của tuổi mới lớn. Tất cả chỉ chực hạ gục “hươu non” dưới sức ép của bản năng. Vẽ đúng đường cho hươu chạy ấy là chỉ cho hươu con đường sống.
Và dù cha mẹ không dạy thì trẻ cũng tìm đủ mọi cách để tìm hiểu về giới tính và tình dục, chẳng thà dạy sớm để trẻ hiểu đúng còn hơn để trẻ tự mày mò từ các nguồn thông tin không thể kiểm soát được, bởi hiện nay trên các phương tiện truyền thông có rất nhiều thông tin về giới tính không chính xác, sai lệch.
Chúng ta cần “vẽ đường cho hươu” chạy đúng!
Với người làm chuyên môn, chúng ta cũng cần đóng vai trò bộ lọc để giúp loại trừ những thông tin “lá cải”, “lá xoan”, “lá ngón” ấy. Vì thế, trong cuốn sách Vẽ đường cho hươu này, bác sĩ Nguyễn Lan Hải đề cập tới hai nội dung quan trọng và vô cùng thiết thực là quá trình phát triển thể chất và những khủng hoảng tâm lý của tuổi dậy thì cùng cách xử lý. Mặc dù bác sĩ Nguyễn Lan Hải tiếc vì thời gian và sức lực có hạn nên chưa đề cập nhiều đến “văn hóa tình dục” cho giới trẻ và đặc biệt là “trí tuệ tình dục” cho trai Việt nhưng Vẽ đường cho Hươu vẫn đề cập vấn đề một cách bao quát, và sâu sắc về giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên.
Trong qua trình viết lách, đôi lúc bác sĩ Lan Hải được nhận xét viết bạo quá, hoặc đụng đến những chuyện nhạy cảm. Tuy vậy, tác giả chưa bao giờ bị “tuýt còi” mà vẫn được bạn bè đồng nghiệp tin tưởng và động viên viết tiếp về những chủ đề khó nhằn để đưa kiến thức đến cộng đồng, cung cấp cho bạn đọc những điều mà bạn chưa biết nhưng cần biết.
Cuối cùng, hy vọng Cuốn sách Vẽ đường cho hươu sẽ đồng hành cùng các bậc cha mẹ để đưa “hươu non” an toàn vượt qua những thay đổi trong tâm sinh lý của tuổi thiếu niên. Và mong các chú “hươu non” có thể tìm thấy nhiều điều hữu ích từ cuốn sách này trong khi loay hoay tự tìm đường để chạy.