"Mở ra bằng một tình yêu phi thường, một ảo vọng mãnh liệt bất chấp hoàn cảnh bi thương, cuốn tiểu thuyết của Hân Nhiên bộc lộ cảm hứng hùng ca bi tráng về khát vọng"... Một Tây Tạng xa xôi và huyền bí, một Tây Tạng chứa đựng những mầm mống đe dọa sinh mạng nhỏ nhoi của mỗi con người: bão tuyết ngập tràn, thú hoang gào thét, nơi thời gian không thể chia nhỏ hay đếm đong, nơi chỉ có bất tận mây trời và cây cỏ... Chính tại thế giới hoang vu ấy, một cuộc hành trình tìm kiếm tình yêu đã bắt đầu. Cuộc hành trình dẫu khốc liệt nhưng con người vẫn cứ dấn thân, bởi họ hiểu - "chỉ sống được cũng đã là chiến thắng"...
Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết là Thư Văn, nữ bác sĩ trẻ người Trung Hoa đã quyết định bỏ lại phía sau lưng thành Tô Châu cổ kính, một mái ấm gia đình yên ả nơi cô đã sinh ra và lớn lên để theo đoàn quân giải phóng lên đường sang Tây Tạng. Cô tìm kiếm Khả Quân, tìm kiếm người chồng chỉ vừa mới cưới được vỏn vẹn gần 3 tháng nhưng lại vội mất tích sau tấm giấy báo tử đầy bí ẩn. Rời xa quê hương để đi vào con đường gian khổ không rõ ngày về, Hân Nhiên đã mở đầu cuốn sách bởi một ước vọng mãnh liệt của một tình yêu phi thường như thế. Bởi có lẽ, hơn ai hết, Thư Văn là người cảm nhận sâu sắc nỗi đau mất mát tình thương - "Ly biệt không lãng mạn như tôi tưởng - nó gây đau đớn". Và để xoa dịu vết thương lòng âm ỉ, người con gái đã quyết định dấn thân vào xứ tuyết xa lạ, nơi người ta vẫn bảo nhau rằng "cao nguyên này một đi không trở lại"...
Nếu có thể lần theo từng bước đi của cô gái mong manh đến miền hoang sơ khắc nghiệt, trải qua bao sóng gió với hiểm nguy rình rập, lúc nào cũng như muốn xoá sổ dấu chân người... thì bạn mới cảm nhận hết tình yêu mà Thư Văn dành cho chồng - thứ ái tình cháy bỏng dường như không gì có thể dập tắt nổi. Phải, "xa cách trong tình yêu giống như lửa trong gió, gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và làm cháy bùng lên ngọn lửa lớn". Dẫu đã có lúc người trong cuộc tưởng chừng phải buông xuôi, tưởng chừng phải quên đi tất cả để làm lại từ đầu, nhưng không, hơn 30 năm cuộc đời trôi qua trên đất khách quê người, cuộc gặp gỡ lạ lùng với những người bạn tốt bụng nơi đây đã dần tôi luyện Thư Văn thành một loài hoa xương rồng bền bỉ, nhọc nhằn mọc trên mảnh đất khô cằn của tạo hoá...
Có lẽ bạn đọc vẫn còn thắc mắc bởi tựa đề bí ẩn của cuốn sách. Vâng, "Thiên táng" không chỉ là câu chuyện về tình yêu, đề cao lòng chung thuỷ mà nó còn là một cuộc hành trình vĩ đại. Cuộc hành trình dài thăm thẳm như một người du mục đi vào lòng Tây Tạng cách đây hơn nửa thế kỷ, để "một lần đích thực chứng nghiệm sự sống và cái chết, ngọt ngào và đau đớn, bản năng mãnh liệt và nỗi tuyệt vọng không thể cất thành lời"... Trên con đường xa tít ấy, Thư Văn dần tìm ra "thiên táng", dần tìm ra mối quan hệ của tập tục chỉ mới nghe qua đã lạnh cả sống lưng với cái chết bí ẩn của chồng mình. Hay nói cách khác, "hành trình tìm kiếm Khả Quân song hành với cuộc khám phá về văn hóa, phong tục và tín ngưỡng của một vùng đất còn đầy những bí hiểm"...
Qua trang viết sống động của mình, Hân Nhiên đã lột tả được sức nặng của tập tục thiên táng. Ấy là khi con người chết đi, thi thể của họ sẽ bị cắt thành từng mảnh nhỏ cho loài kền kền bay đến rỉ. Bởi người Tây Tạng thời ấy tin rằng, việc an táng xác chết như thế là học theo đức Phật Tổ Như Lai, người đã từng lấy thân xác mình nuôi hổ, để hổ dữ khỏi làm hại đến các sinh linh khác. Nếu xác thân bị kền kền rỉ sạch thì cũng là điềm báo con người được siêu thoát - chết không phải là ra đi, mà là sự trở về với cát bụi... Có người sẽ kinh hãi khi chứng kiến nghi lễ ấy, có người sẽ rờn rợn khi chỉ mới thử tưởng tượng ra, nhưng Thư Văn - người vợ nhỏ bé lại nghiêng mình kính trọng trước hành động của chồng khi chạm đến tập tục thiêng liêng của Tây Tạng. "Thiên táng" không xoáy sâu vào những vấn đề văn hoá, lịch sử, chiến tranh Trung Hoa - Tây Tạng theo cách mà nhiều người đã khai thác. Bà đi vào"phần nhân bản của con người trong mọi sự xung đột" để gửi gắm một ý nghĩa nhân văn sâu sắc - "Hòa bình đã trở lại từ sự hi sinh thầm lặng và cao cả của những con người đã trở thành bất tử"...
Câu chuyện tình của một cá nhân nhưng lại gắn với những biến động của thời cuộc và cả tập tục bị coi là vô cùng "man rợ" - Thiên táng. Ấy là cách Hân Nhiên miêu tả một người đàn bà gốc Trung Hoa nhưng lại dần mang trong mình cái chất người Tây Tạng. Từng ngọn cỏ bờ cây, từng nhánh sông ngọn núi đều như phủ kín tâm hồn và thấm đẫm vào từng thớ thịt dần già nua. Thư Văn trở về tìm lại cố hương, Tô Châu ngày ấy bỗng trở nên nhạt nhoà hư ảo. Mọi thứ giờ đã đổi thay và con người ta cũng không phải là ngoại lệ. Duy chỉ có một điều còn long lanh trong đáy mắt, ấy chính là niềm tin, là khát vọng, là sự thuỷ chung bền bỉ trước những biến động khắc nghiệt của thời gian và thời cuộc. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ về lại với trái tim - Thư Văn đã mang trái tim tuổi trẻ đến cao nguyên xa lạ, và giờ đây nó lại trở nên quá đỗi thân thuộc, như một tình yêu lớn trước thử thách cho ta biết mình không bao giờ gục đầu trước số phận.
Nhẹ nhàng, trong sáng, giản dị nhưng cũng không kém phần đớn đau, khốc liệt - với "Thiên táng", Hân Nhiên đã dạy cho tôi "học lại bài học về yêu thương và vị tha ở nơi không có chỗ cho vị kỷ, lòng tham và những định nghĩa sáo rỗng, lừa mị"... Cuộc hành trình dữ dội để sinh tồn cũng chính là hành trình khiến ta soi lại và đặt tên cho ý nghĩa cuộc đời mình.
có đúng như lời khen của bạn Trung Tín không?
Hãy Đăng ký