Con người được ban cho các giác quan để cảm nhận thế giới, nhưng liệu những gì ta cảm nhận có phải là thế giới thực? Khám phá bí ẩn đó là một trong những khả năng của văn học.
Nữ công tước Marianna Ucrìa bị câm điếc từ nhỏ, nhưng đó không phải khuyết tật bẩm sinh, sau một chấn thương tâm lý bí hiểm, nàng đã tự đóng cánh cửa vào thế giới âm thanh của mình. Cha của Marianna từng đưa con đến pháp trường xem hành quyết, hi vọng một nỗi sợ lớn hơn sẽ xóa bỏ nỗi sợ cũ. Nhưng vô hiệu, nàng càng lúc càng ẩn sâu vào sự câm lặng của mình, rút vào sống hoàn toàn trong nội tâm.
Câu chuyện về cuộc đời Marianna Ucrìa dẫn dắt người đọc đi trên một cuộc hành trình đặc biệt xuyên suốt những tục lệ và tập quán của Sicilia trong thế kỷ XVIII và trong những ký ức về người nữ anh hùng dũng cảm và bí ẩn.
Vào đoạn kết cuốn sách, nữ công tước bắt đầu một chuyến du hành lạ thường. Sau khi đã sống một cuộc đời bề ngoài không khác gì những phụ nữ cùng tầng lớp trong suốt gần bốn mươi năm, nàng bỏ lại phía sau gia đình, các con gái, con trai và nhiều đứa cháu, bỏ lại ngôi nhà lớn, bỏ lại người tình trẻ Saro và ông luật sư già Don Camelèo ngưỡng mộ nàng, chỉ mang theo cô hầu gái Fila.
Cuộc hành trình này không chỉ là chuyến đi đơn thuần mà giống như một biểu tượng của sự truy cầu và tìm kiếm những ý nghĩa sinh tồn thực sự...
Mười ba tuổi, Marianna được gả cho người bác ruột, anh trai của mẹ và anh họ của cha - chuyện khó tưởng tượng vào thời hiện đại nhưng lại là bình thường trong các dòng họ quý tộc trước đây. Nàng sống cùng người chồng hơn mình tới ba mươi tuổi trong cuộc hôn nhân không tình yêu, không khoái cảm tình dục.
Chỉ giao tiếp với người khác qua những mẩu giấy viết và cảm nhận thế giới qua màu sắc, mùi vị, đặc biệt là những cuốn sách, ngay từ đầu hoàn cảnh của nữ công tước đã tạo nên điều kiện tối ưu cho một tiểu thuyết tâm lý.
Tính chất đặc biệt của nhân vật cũng từ đó mà phát lộ: sự can đảm khác thường của nàng không nằm trong việc đấu tranh vươn lên để chiến thắng tật nguyền, mà nằm trong quá trình bảo vệ cái tôi chân thực, sâu sắc. Một phụ nữ câm điếc, chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt, nhưng nàng không cố đóng vai một ai đó để đối lập với sự bất hạnh của mình, để làm nhòa đi hoàn cảnh của mình. Câm lặng để học hỏi, để tìm hiểu bản thân, để hiểu mọi thứ theo cách riêng của mình, đó không còn là bất hạnh mà là một đặc ân.
Nhân vật Marianna được coi là một nữ anh hùng, không phải vì nàng tạo nên những kì tích phi thường, mà vì sự bao dung với bản chất con người, và niềm tự tin sâu thẳm tạo cho nàng một thế giới phong phú, riêng biệt, bất chấp khuyết tật và xã hội hạn hẹp xung quanh. Ngay cả khi có thể tìm kiếm tình yêu, nàng cũng không đặt tâm hồn mình vào đó.
Người bác - chồng đòi lấy nàng để tìm lại hình ảnh cô em ruột mà ông ta gắn bó từ bé; chàng trai trẻ Saro nồng nhiệt, say đắm sắc đẹp của nàng; ông luật sư Don Camelèo thì ngưỡng mộ trí tuệ của nàng - tất cả đều chỉ nhìn thấy một mặt nào đó, không ai chạm được đến bản chất chân thực của nàng. Vì vậy, nàng chưa thể yêu, không muốn phó thác mình cho tình cảm phù phiếm ấy để rồi đánh mất những tiếng gọi của thế giới riêng tư.
Một khoảnh khắc kì diệu khi tác giả mô tả cảnh Marianna thay áo đã hé lộ nỗi sợ đó của nàng: "Cái váy vẫn cứng và ở nguyên tư thế đứng, cứ như nữ công tước đang phân thân: một bên là cơ thể phụ nữ thon thả, run rẩy trong chiếc áo lót trắng bằng vải bông; bên kia là nữ công tước Ucrìa cao quý với vẻ lịch thiệp và những kiểu cách bắt buộc, khép mình trong đống gấm lụa cứng nhắc đang cúi chào, mỉm cười, gật đầu, đồng tình. Điểm gặp gỡ giữa hai cơ thể đó là thứ khó phát hiện: đâu là điểm để người này nhận ra mình trong người kia, đâu là điểm để họ tự vệ, chỗ nào trưng ra, chỗ nào ẩn đi để rồi vĩnh viễn đánh mất mình?"
Ở điểm gặp gỡ mong manh đó, nàng sẽ dừng lại để bảo vệ người phụ nữ run rẩy và mỏng manh, không thể nghe và nói ấy, không để bất cứ thứ gì cuốn trôi mình đi, ngay cả sự hứa hẹn của tình yêu...
Và cuối cùng nàng lên đường. Như trong những truyện thần thoại và cổ tích, người anh hùng đi tìm kiếm ý nghĩa còn thiếu của cuộc đời mình. Cô hầu Fila, người phụ nữ đã từng phạm nhiều tội lỗi và phải vào nhà thương điên, là bạn đồng hành của nàng, không phải vì nàng gần gũi với những người nghèo hơn tầng lớp mình, đơn giản vì nàng hiểu rõ con người đều nhỏ bé và mắc những sai lầm như nhau, và một chút gì đó, nàng muốn nhìn Fila như một sự cảnh báo về khía cạnh điên cuồng trong bản chất con người, những nguy hại có thể xảy ra khi buông thả theo đam mê thái quá.
Sau khi Fila gặp và kết hôn với người chủ quán trọ, nàng lại một mình tiếp tục cuộc hành trình, đi tới những nơi "tất cả đều xa lạ và vì thế mà thật thân thiết", để tìm kiếm mãi cái cảm giác về "trạng thái nguyên sơ và xa xôi, không thể giải mã nổi".
Cũng như những phụ nữ bình thường, sự viên mãn của một vòng tay, tiện nghi của mái ấm vẫn có sức cuốn hút đối với nàng, quyến rũ nàng trở về. Cuộc hành trình vô định này, nàng tự nhận ra, cũng vô bổ và nông cạn như mọi thứ trên đời. Nhưng mong muốn ra đi vẫn mạnh hơn.
Minh Phước
(Nguồn: Báo Tuần Việt Nam)
Hãy Đăng ký