Loading...
  • Miễn phí giao hàng
     
    Miễn phí giao hàng toàn quốc cho Đơn hàng từ 250.000đ.
  • 80.000 tựa sách
     
    Với hơn 80,000 đầu sách trong mọi lĩnh vực (và tiếp tục tăng mỗi ngày), Vinabook.com tự hào là nhà sách trên mạng có số lượng đầu sách lớn nhất Việt Nam, bạn có thể tìm được bất kỳ quyển sách nào cho mọi nhu cầu đọc sách của bạn.
  • Vinabook Reader
     
    Hơn 10,000 tựa sách và tạp chí trong thư viện sách khổng lồ của Vinabook Reader mọi lúc mọi nơi chỉ từ 825đ/ngày
  • Hỗ trợ trực tuyến
  • Hotline: 1900 6401
     
    Tổng đài chăm sóc và Hỗ trợ Khách hàng hoạt động suốt 6 ngày trong tuần
    Thứ 2 - 6: hoạt động từ 8:00 - 17:00
    T7 - Chủ nhật: Quý khách vui lòng để lại tin nhắn qua email hotro@vinabook.com Chúng tôi sẽ xử lý email sớm nhất giúp quý khách.

Nhặt lên phố phường

Trong bài "Đàn ông viết tạp văn", ở trang số 72 sách này, Nguyễn Việt Hà buông một nhận định, rằng những người khởi đầu nghiệp viết bằng tạp văn sẽ khó mà thành nhà văn. Nhưng, có vẻ kinh nghiệm này không nhất thiết là đúng. Nó chỉ đúng ở chỗ khá đông cây bút tạp văn ngày nay không biết viết giai thoại. Bởi lẽ giai thoại chính là chuyện kể, là những câu chuyện rất gần với truyện hư cấu, những chuyện kể mà tính chất người thực-việc thực, hay tính sự kiện trong đó luôn mơ hồ một cách rõ rệt. Mượn lối nói của Nguyễn Việt Hà, tính hiện thực của giai thoại cứ như "đặc sánh một sự rỗng tuếch." ("Đẹp giai im lặng", trang 82).

Nhiều người có vẻ coi thường giai thoại và tính giai thoại trong văn chương. Nghĩ như thế không nhất thiết là sai. Nhưng xưa nay các giai thoại thường là chất liệu làm ra cốt truyện, hay được dùng làm cốt truyện. Những giai thoại cổ xưa về thần nhân, thần vật, được truyền tụng lâu đời thành các truyền thuyết. Giai thoại ngày nay cũng vẫn đi theo lối ấy mà thôi. Chúng đúc kết các mô hình lắm vẻ đa dạng của đời sống chúng ta thành những câu chuyện, mà nhiều khi chỉ bằng một vài từ ngữ thông tục đương thời là đủ gợi lên những tình huống, tình thế và con người hiện thực, không nhất thiết phải đủ tuổi tên nơi chốn.

Chẳng hạn, trong một đoạn văn chỉ hai câu, ta thấy ngay ba loại sự kiện đương thời: "Cứ mở miệng là họ nói yêu nước thương nòi, là ăn ngay ở thẳng, là lá lành đùm lá rách. Bọn họ sẵn sàng xây một nhà máy làm cả làng ung thư nhưng rưng rưng leo lên ti vi tuyên bố sẽ trích một phần lợi nhuận đi mua thuốc xổ để cứu một làng cạnh đấy đang bị ỉa chảy". ("Lợi khẩu", trang 268).

Bạn đọc dễ ấn tượng về sự hài hước, và cũng dễ đồ rằng giai thoại chỉ là chuyện "tiếu lâm". Cũng chẳng hoàn toàn sai. Chỉ đừng nên bỏ qua mức khó khăn của thể loại truyện đó. Viết mà làm cho người đọc cười là một trong mấy cái khó nhất của nghề viết. Và điều người ta thường gọi như cái cười thâm thúy chính là ở chỗ những truyện như thế làm ta nhận ra những thứ sâu bền đáng kể bên trong hay ẩn dưới các thứ vặt vãnh, chóng qua, hay nhàn nhạt thường ngày.

Thành thị, thị tứ, phố phường vốn là xứ sở của các giai thoại. Bởi vì không nơi đâu trên đất của con người lại có sự tập trung đến thế, đông đúc đến thế, thượng vàng hạ cám các biểu thị của tính người, như ở những chốn "phồn hoa đô hội" này.

Dĩ nhiên, cái bút pháp bỡn cợt của Nguyễn Việt Hà là hết sức độc đáo và bút pháp đó mới "điểm nhãn" cho những giai thoại phố phường khi liên kết chúng lại với nhau. Tác giả này nhặt lên những phố phường của anh, như Cô Tấm nhặt thóc, không bằng cách đếm cây trên vỉa hè mà bằng việc "mix" (trộn lẫn) những giọng điệu của văn hóa đương thời. Hà Nội, từ thuở khai lập, chẳng phải đã là "đất bốn phương tụ hội" hay sao?

Và một điều căn bản cũng hé lộ ở đây: tạp văn trước hết là cảm xúc, không phải là báo cáo hay thống kê. Hãy nhìn lại những giai thoại quanh ta. Chúng chuyên chở các cảm xúc và các tinh thần, cho nên bạn mới nghe đi nghe lại mà không thấy nhàm. Hà Nội chỉ cũ. Nhưng mang cái tinh thần của một nghìn năm.

(Báo hanoimoi.com.vn giới thiệu ngày 2/10/2013)

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan