Người Có Trái Tim Trên Miền Cao Nguyên Và Những Truyện Ngắn Khác:
Truyện ngắn của Saroyan được viết một cách dễ dàng, viết từ bất cứ những sự việc tầm thường trong đời sống, mới đọc lên sẽ thoáng nở nụ cười nhưng liền sau đó sẽ cảm thấy xót xa và cay cay trong mắt, ấy chính vì tính chất trào lộng mà bi thiết từ cái nhìn của người dẫn truyện.
Là một tác giả phương tây, nhưng ông luôn có cái nhìn về cuộc đời như một nhà hiền triết phương đông, thâm cảm về lẽ hư phù của cuộc sống, và cho rằng mỗi chúng ta chẳng qua chỉ là những khách bộ hành tình cờ đi ngang qua trái đất quạnh hiu này, và thế đấy, "chúng ta đến, chúng ta nô đùa qua lại, và chúng ta bị quên lãng!".
Các nhân vật trong truyện của W. Saroyan, nếu không là nhân vật xưng Tôi (thường là một số chàng trẻ tuổi hay là một nhà văn) thì nhiều nhất vẫn là những trẻ con. Trẻ con xuất hiện khắp nơi và chúng cho phép ông được nhìn ngắm thế giới này theo một kiểu khác biệt, như quy tắc sáng tác mà ông tự đặt ra cho mình. "Hãy quên hết mọi tác giả trên đời và viết theo cách mà bạn yêu thích nhất". Thế nên, bạn sẽ không phải ngạc nhiên khi gặp những tình huống kỳ lạ, những phản ứng khác thường ở các nhân vật. Tất cả chỉ để bộc lộc một cảm giác bất an, bơ vơ và hoang mang của con người trong một thế giới xa lạ, dị biệt hoặc nằm ngoài khả năng phán đoán và học hiểu của họ.
Cái tâm trạng đó thường gặp nhất có lẽ ở những người di dân, những con người khắc khoải, luôn thương nhớ về một quê nhà xa xăm, đầy tín cẩn và xúc cảm, khác hẳn với những lạnh lùng mà họ đang sống, đang hắng hoà nhập. Tâm trạng này rồi sẽ và đã trở thành quen thuộc với những tác giả xuất hiện từ cộng đồng thiểu số trên đất Mỹ trong những thập niên kế tiếp. Nhưng điều đó không hề có nghĩa rằng tác phẩm của ông luôn đeo nặng một bầu không khí bi quan, mà hoàn toàn ngược lại.
Có lẽ, chính vì nhìn cuộc sống qua con mắt của trẻ con mà tác phẩm của W. Saroyan tràn ngập niềm hân thưởng cuộc sống, bất chấp và vựơt qua mọi trắc trở hay khổ đau của cuộc đời. Ở đó, nhẹ nhàng và bàng bạc những mách bảo, những minh triết về một cuộc sống sao cho trọn vẹn, say mê, hứng khởi miệt mài, cho dù bạn đang là ai: một phận người đói lạnh, một gã lang thang thất nghiệp, một nhà văn...
Mục Lục:
Người có trái tim trên miền cao nguyên
Chiếc xe đạp bị mất cắp
Con chim ruồi sống qua mùa đông
Vườn rau cần
Những trái cam
Người nông dân
Người gác thang máy vô địch thế giới
Bánh xe gẫy
Cái chết của trẻ con
Cười
Rồi sẽ ra sao
Một nước vĩ đại nhất thế giới
Ăn mày
Filandia
Ngựa và biển
Chàng trẻ tuổi gan dạ trên chiếc đu bay
Chiến tranh
Một ngày lạnh
Hoà bình thật tuyệt
Thế giới
Trở về với những cây lựu
Tuyên chiến
Người trung gian bảo hiểm, người nông dân, người buôn thảm và chậu cây
Greta Garbo thân mến
Dương cầm
Ngày thứ ba sau giáng sinh
Người khách trong kho chứa dương cầm
Thiên tài
Người phi luật tân và gã say
Con gái người chăn cừu
Tuyên ngôn của một nhà văn.
Mời bạn đón đọc.
Báo chí giới thiệu
Chiếc đu bay đến cõi vĩnh hằng
(Người có trái tim trên miền cao nguyên
- William Saroyan, Nguyễn Huy Tưởng dịch, NXB Văn Nghệ)
Như tấm tranh bìa sách của Marc Chagall, những câu chuyện của Saroyan hồn nhiên, nguệch ngoạc và tươi vui. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn một chút, nơi những góc khuất, nơi phần chìm của vệt màu đỏ tươi, rất có thể là tiếng thở dài, thậm chí là nỗi buồn, rất buồn.
Nhưng điều đó còn chưa thâu tóm hết mỗi câu chuyện ngăn ngắn trong tập sách, sau những dòng chữ cuối cùng bao giờ cũng là một không gian mênh mang, có thể là của khát vọng, cũng có thể là sự cô độc. Saroyan chừa quyền lựa chọn cho người đọc.
Nhân vật chính của chuyện có thể là người nghệ sĩ "có trái tim trên miền cao nguyên Scotch" ra đi từ viện dưỡng lão, cậu thiếu niên lỡ "chôm" cái xe đạp ven đường, thằng bé luôn miệng cười để bán được một quả cam hay gã nhà văn có 1 xu mòn nhẵn...
Những nhân vật rất bình thường, thậm chí tầm thường, những mẩu chuyện khơi khơi mà mỗi ngày bạn sống bạn thấy đến hàng trăm chuyện, toàn bộ quyển sách là một cuộc sống thật thu nhỏ, thật đến nỗi bạn như ngửi thấy mùi mồ hôi, thấy được những vết xước rất nhỏ. Khổ công cho người đọc nào muốn tìm kiếm ở nhà văn nổi tiếng này những bứt phá về kỹ thuật hay cấu trúc. Mỗi câu chuyện đều được viết ra một cách nhẹ nhàng và đơn giản nhất. Kể ra như hơi thở!
Có thể chuyện ông nói nhiều về những người nhập cư tại Mỹ cùng lòng hoài cố quốc của họ, nhưng đó tuyệt không phải là chủ đề chính. Một trận đánh nhau của hai chú bé 5 tuổi, một người Đức và một Slave, còn thằng bé Do Thái đứng khóc hoài bên một góc phố tồi tàn, có gì đặc biệt? Tác giả vui miệng kể về cách thằng bé người Đức tập đi đứng hiên ngang, cái tính bất cần, chơi tới nơi của chú Slave. Còn thằng bé đứng khóc, Saroyan bảo "tôi chỉ có thể nghĩ nó khóc vì sự hiện hữu tai ác của lòng thù hận...", dù "nó cũng chỉ là nhân chứng như tôi".
Một trận đánh nhau của hai đứa trẻ mang niềm cay đắng của những người rất lớn, những thứ mà rất có thể chúng không muốn dự phần. Hay bạn nghĩ thế nào về cậu bé ăn cắp xe đạp, sau lúc xấu hổ ban đầu đã quên mất mình làm thế nào để có nó, và nguyền rủa hết lời thằng ăn cắp chiếc xe đạp mà cậu đã ăn cắp. Hay anh chàng nhà văn, chìm vào cơn hôn mê bởi cơn đói đã thấy mình vụt bay trên chiếc đu bay miên viễn giữa cơn mơ chữ khổng lồ... Tất cả đều có gì đó lạ lùng để nói, để kể, để bạn cười rồi nhíu mày vì cơn đau đã đột nhập đâu đó vào tim.
Sách được dịch bằng giọng văn rất lạ, bình dân và tếu táo, giọng văn có vẻ là hợp nhất cho một nhà văn khác lạ kiểu Saroyan. Giọng văn không xem điều gì là quan trọng, nhưng cũng vì thế mà tôn trọng hết thảy mọi hoạt động con người. Vì lẽ mỗi ngày, mỗi hành động của chúng ta đều là cách chúng ta đi trên một chiếc đu bay đến cõi vĩnh hằng, hãy đu bay một cách khinh khoái nhất. Saroyan không thích sự trầm trọng, vì thế khi nghe nhận xét này có thể ông thốt ra một câu như trong sách: "khổ quá cha nội, cái quái quỉ gì vậy chớ!".
Vương Thuấn
Xem thêm Thu gọn
Hãy Đăng ký