Giỏ hàng rỗng
Thực tiễn của quá trình phát triển kinh tế, từ những nước công nghiệp phát triển đến các quốc gia đang phát triển thuộc tất cả các châu lục khác nhau cùng với kinh nghiệm lịch sử tích lũy đến ngày nay, đã chứng minh một cách không thể chối cãi được vai trò và vị trí của tiền tệ và tài chính trong quá trình phát triển kinh tế.
Vị trí và vai trò của tiền tệ, trước hết được thừa nhận như là một công cụ để thông qua đó, Nhà nước có thể can thiệp vào các hoạt động kinh tế, quản lý các hoạt động đó theo một chính sách nhất định. Đặc biệt, trong nền kinh tế hiện đại, vai trò cơ bản của tiền tệ là ở chỗ tiền tệ thể hiện một sự tổng hợp về thông tin trên các thị trường. Tiền tệ và thị trường hiện ra như là hai mặt của một thực thể, trong đó tiền tệ luôn giữ vai trò là công cụ điều chỉnh và chi phối thị trường, và thị trường là một tấm gương để phản ánh sự thích ứng của khối lượng tiền tệ thông qua mức giá chung. Có lẽ vì lý do đó, một số nhà kinh tế, đặc biệt là một số nhà kinh tế thuộc trường phái của trường đại học Freien Berlin thuộc Cộng Hòa Liên Bang Đức và nhiều trường phái khác đã đưa ra và vận hành trong thực tế một khái niệm: Nền kinh tế tiền tệ.
Đặc trưng cơ bản của nền kinh tế tiền tệ là việc sử dụng tiền tệ như là một công cụ quan trọng quy định và chi phối toàn bộ các hành vi kinh tế, điều khiển tất cả các hoạt động kinh tế, thực hiện mối quan hệ kinh tế trên các thị trường, bao gồm thị trường hàng hóa, thị trường tín dụng, thị trường nhân công và cả thị trường tài sản.
Bằng việc nghiên cứu một cách có hệ thống tiền tệ và tài chính trong nền kinh tế thị trường, đi từ các vấn đến đại cương về tiền tệ đến thị trường tiền tệ và thị trường vốn; từ nguồn gốc, bản chất, chức năng và vai trò của tín dụng và tài chính, đến một lĩnh vực rất quen thuộc nhưng vô cùng phức tạp là lãi suất và xử lý lãi suất; từ lịch sử ra đời và phát triển của ngân hàng đến các hình thức ngân hàng: Ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại; từ việc nghiên cứu các học thuyết và nội dung của Cung và Cầu tiền tệ đến một vấn đề rất kinh điển nhưng cũng rất thời sự là lạm phát; chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, từ việc nghiên cứu tài chính nhà nước và tài chính doanh nghiệp v.v… Chúng tôi nghĩ rằng, trong chừng mực nào đó, có thể giúp cho chúng ta tiếp cận một phần nào những vấn đề rất phức tạp nhưng vô cùng lý thú và hấp dẫn, không phải chỉ hôm nay mà trước đây và sau này, đã và sẽ thu hút không biết bao nhiêu nhà kinh tế, nhà lý luận quan tâm nghiên cứu về nó. Và chắc chắn điều đó không phải là vô ích.
Mời bạn đón đọc.
Hãy Đăng ký