Giỏ hàng rỗng
Nguồn nhân lực dồi dào, chi phí nhân công thấp là hai lợi thế giúp cho nhiều ngành sản xuất, chế tạo ở Việt Nam phát triển kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế. Các ngành như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử ở Việt Nam lọt vào nhóm hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam một phần nhờ bệ phóng đó. Cả nước hiện có hơn 50 triệu người tham gia lực lượng lao động, phần lớn trong độ tuổi từ 25 – 35, theo số liệu của tổng cục Thống kê trong quý 2.2018. Tuy nhiên, lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, dồi dào này chỉ có thể kéo dài tới năm 2030, khi nhóm lao động chủ chốt hiện nay bước sang tuổi 35. Chi phí nhân công cũng tăng dần theo các quy định của pháp luật về lao động, cũng như đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động.
Bản thân người lao động cũng đối mặt với thách thức từ sự dịch chuyển lao động tự do ở cấp độ kinh tế khu vực và toàn cầu. Họ cũng đối diện với nguy cơ mất việc nếu không trang bị kiến thức, kỹ năng, phù hợp với các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới. Cỗ xe 4.0 tuy hấp dẫn về các lợi ích như năng suất, hiệu quả, song cũng tỏ ra khắc nghiệt không kém với lao động, với ngành, hay quốc gia nào chậm chân, để lỡ cơ hội. Nếu không có những điều chỉnh ở cấp độ chiến lược ngành và quốc gia, lợi thế cạnh tranh về nhân lực đang mất dần.
Có khá nhiều báo cáo, phân tích về nguy cơ mất việc làm trong các ngành sản xuất đang thâm dụng lao động ở Việt Nam do tác động của công nghệ tự động, IoT… Các câu chuyện trong số báo này của Forbes Việt Nam cho thấy, một số doanh nghiệp đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất, để tăng hiệu quả, giảm giá thành như Việt Thắng Jean, May Sài Gòn trong ngành may mặc, hay AA trong sản xuất gỗ, NaMilux trong sản xuất hàng gia dụng, hay Minh Long I trong ngành gốm sứ. Thực tế cho thấy, công nghệ tiên tiến tuy thay thế con người ở nhiều khâu, nhưng cũng mở ra các cơ hội nghề nghiệp mới. Quan trọng hơn, quy trình sản xuất, yếu tố quan trọng để áp dụng công nghệ, do con người đúc kết, xây dựng nên. Doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm, xây dựng lợi thế cạnh tranh để có thể phát triển một cách bền vững. Đó cũng là chủ đề chính của diễn đàn Kinh doanh do Forbes Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 7.2018.
Mời bạn đón đọc.
Hãy Đăng ký