Hoặc yên tâm cam phận nô dịch, hoặc phải dùng đến thủ đoạn, bản năng của dã thú để tồn tại, vượt lên trên bầy đàn thống khổ – cuốn tiểu thuyết này đặt ra phía sau nó vấn đề nhân tính trong bối cảnh xã hội Ấn Độ hiện đại thông qua hành trình “tiến thân” của Balram Halwai, còn có biệt danh Cọp Trắng (loài động vật quý hiếm nhất, mỗi thế hệ chỉ có một con).
Cuốn tiểu thuyết dưới dạng một lá thư, tự truyện của Cọp Trắng được viết trong bảy ngày đêm, kể lại hành trình trở thành doanh nhân thành đạt của anh ta, gởi đến thủ tướng Trung Quốc nhân dịp ông đến thăm Bangalore. Bằng giọng điệu tự nhiên, sắc sảo và hóm hỉnh, lá thư này chuyên chở một nguồn dữ liệu về bối cảnh xã hội đương đại Ấn Độ, nơi mà mỗi hành trình “vượt giai cấp”, thành đạt của cá nhân phải đi qua những bước ngoặt khúc khuỷu, bè cánh lắt léo, thậm chí, phải biết lạnh lùng nhúng đến mùi tanh của máu người.
Từ một cậu bé thông minh con trai ông phu xe đã phải bỏ học để phục vụ trà quán, với “bản năng sinh tồn” mạnh mẽ, cậu đã làm một chân lái xe cho một ông chủ trung lưu, học biết lối sống phù phiếm, sự nhẫn tâm và cuối cùng, tham gia vào một vụ sắp đặt, giết người mang tính chất mafia để đạt được mục tiêu tiến thân. Con đường thay đổi nhận thức từ một người nghèo, thuộc tầng lớp nô lệ đến một doanh nhân máu lạnh kết thúc một cách hài hước nhưng lại khiến cho người đọc ray rứt vì đó là con đường trượt dài, xói mòn nhân cách.
Một điều đáng lưu ý: trong cuốn tiểu thuyết này, mỗi nhân vật, bên cạnh tên người, đều có một bí danh, là tên thú. Có thể gặp, vây quanh Cọp Trắng là: Nhện, Lợn Rừng, Đại Bàng, Cò, cầy Mangut… Một thế giới “xài luật rừng”, mafia hoá, từ nền chính trị, cơ chế kinh tế, văn hoá tín ngưỡng… nơi mà, mỗi con người không đứng được bằng chính cái tên của mình, phải đội vào những “bộ lốt” của thú. Thế giới ấy được Aravind Adiga giải thiêng khi đặt nạn tham nhũng của đám cảnh sát, nạn mại dâm, mua chác cơ nhục, nạn bóc lột nô lệ và bất công cứ xảy ra hàng ngày, lặp đi lặp lại trên phông nền của những tượng Đức Phật, Gandhi hay găm vào nhân vật những câu báng bổ các vị thần Lakshmi, Hanuman hoặc giễu nhại thứ thơ ca đẫm màu thánh linh của Iqbal bằng cách “cắt dán” chúng vào một thực tại trụi trần, ô trọc. Và, sự giải thiêng trở nên triệt để khi Aravind để cho nhân vật Cọp Trắng “thay tên” cả dòng sông mẹ Hằng Hà, con gái thần Vedas trong huyền thoại, dòng sông linh thiêng trong tâm thức người Ấn thành dòng sông Bóng Tối.
Đây là một tác phẩm văn chương bày tỏ những thông điệp phản kháng trực diện, dù nhân vật Cọp Trắng – đại diện cho sự phản kháng ấy – là một kẻ tự nhận mình “học hành nửa vời trong một đất nước nửa vời”, một kẻ nương vào bối cảnh để vừa tự nhạo, vừa bao biện cho con đường thành đạt của mình, một kẻ cơ hội, té nước theo mưa. Kẻ ấy, rồi đây cũng sẽ nhìn những người nô lệ của mình như ngày xưa ông chủ hắn đã nhìn hắn, tầng lớp của hắn. Đời sống ù lì ngột ngạt đè nén tầng tầng lớp lớp kia, tưởng chừng bất tận. Và, Ấn Độ đương đại – xứ sở vẻ vang, nơi Đức Phật đã đắc đạo, nơi có dòng Hằng Hà linh thiêng… chỉ còn trong những trang sách giáo khoa, khi bên ngoài là một đời sống ngột ngạt, thầy giáo say xỉn, người nô lệ mỏi mòn, nhếch nhác đầy đường, đám doanh nhân mafia mới nổi thì nuôi dưỡng “văn hoá đọc” của mình bằng tờ báo bạo lực Tuần san Giết Người...
Bên dưới những báng bổ, cười nhạo ấy là một nỗi chua xót sâu cay – một thái độ gây hấn để thức tỉnh thực tại. Một lần nữa, chúng ta hiểu thêm về sức mạnh của những “sự thật biết cười” trong văn chương. Xin để ngỏ một câu hỏi chính yếu để bạn đọc có thể tìm đọc cuốn sách và giải mã thêm: Vì sao những bức thư này lại được chọn gởi cho một chính trị gia Trung Quốc?
Nguyễn Vĩnh Nguyên
(Nguồn: Báo SGTT)
Hãy Đăng ký